Bạn cần biết – Say nắng nguy hiểm như thế nào?
Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bị say nắng có thể chết hoặc tổn thương não và các cơ quan nội tạng khác.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng – Thủy văn Trung ương, trong những ngày cuối tháng 5, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng, nhiệt độ cao bao trùm khắp cả nước. Đây là tình hình thời tiết rất nguy hiểm và dễ khiến chúng ta mắc bệnh. Trong đó, dễ gặp nhất là tình trạng say nắng.
Sơ cứu chậm trễ gây nguy hiểm tính mạng – Thạc sĩ, bác sĩ Lương Quốc Chính – khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai – cho biết say nắng (còn được gọi là sốc nhiệt) có thể giết hoặc gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể.
Người bị say nắng nếu không được cấp cứu kịp thời có thể sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do tiếp xúc quá lâu với nhiệt độ cao kèm theo việc mất nước. Càng ở khu vực đô thị, chúng ta càng dễ bị sốc nhiệt trong đợt nóng kéo dài do thiếu gió, chất lượng không khí kém, nhựa đường bị đốt cháy…
Theo bác sĩ Chính, triệu chứng đặc trưng của say nắng là nhiệt độ trung tâm của cơ thể lớn hơn 40,5 độ C nhưng thường gặp nhất vẫn là hiện tượng ngất xỉu.
Ngoài ra, một số triệu chứng khác như đau nhói đầu; chóng mặt, choáng váng; không ra mồ hôi mặc dù thời tiết nóng, da đỏ, nóng, khô; yếu cơ hoặc chuột rút; buồn nôn; thay đổi hành vi như lú lẫn, mất phương hướng, hoặc trạng thái sửng sốt; co giật, hôn mê…
Khi gặp người bị say nắng, chúng ta cần phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, không được chậm trễ và cần phải tiến hành sơ cứu cho bệnh nhân. Đầu tiên, bạn nên đưa bệnh nhân tới môi trường có điều hòa nhiệt độ, hoặc một khu vực râm mát, cởi bỏ quần áo không cần thiết để thông thoáng. Ngay sau đó, bạn cần giúp bệnh nhân làm mát để hạ nhiệt độ cơ thể xuống 38,3- 38,8 độ C bằng cách dùng quạt hoặc khăn ướt, vòi nước làm ướt da. Bạn cũng có thể dùng túi nước đá áp vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân.
Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da cho nên việc làm lạnh chúng có thể làm giảm được nhiệt độ cơ thể. Trong trường hợp đặc biệt, chúng ta có thể nhúng bệnh nhân vào vòi hoa sen hoặc bồn tắm có nước mát, thậm chí là nước đá.
Làm gì để tránh say nắng? Bác sĩ Lương Quốc Chính khuyến cáo khi chỉ số nhiệt cao, bạn nên ở trong môi trường râm mát. Nếu có thể, thay đổi thời gian ngoài trời của bạn sang một khoảng thời gian mát mẻ hơn trong ngày, hoặc vào buổi sáng sớm hoặc sau khi mặt trời lặn.
Trong trường hợp phải đi ra ngoài, bạn cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng. Để tránh tình trạng mất nước, bác sĩ này tư vấn mọi người nên uống ít nhất 8 cốc nước (nước lọc, trái cây, hoặc rau) mỗi ngày… Vì các tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt cũng có thể là hậu quả của mất muối, do vậy bác sĩ cũng khuyến khích sử dụng, bổ sung đồ uống thể thao giàu chất điện giải trong thời gian nắng nóng cao độ.
Hà Quyên — Say nắng nguy hiểm như thế nào?